Các nhà khoa học đã phát hiện ra sự dịch chuyển này nhờ vào những thiết bị theo dõi gắn trên thân thể các con cá sấu.
Thông thường, những con cá sấu nước mặn được bắt ở gần các bãi biển hay sông hồ đông người ở Australia sẽ được đưa về những nơi hẻo lánh. Nhưng chính sách di tản này đang được xem xét lại bởi dường như loài vật này có bản năng nhớ nhà rất cao.
“Chúng tôi vẫn cho rằng cá sấu mệt rất nhanh nhưng ở đây chúng ta thấy rõ rằng chúng có thể vượt qua những quãng đường dài từ ngày này qua ngày khác”, giáo sư Craig Franklin tại Đại học Queensland nói.
Một con cá sấu lớn bị bắt ở bờ biển phía tây của bán đảo Cape York thuộc Queensland. Nó được chở bằng máy bay sang bờ biển phía đông. Trong vòng 3 tuần, nó đã trở về nhà, sau một chặng đường dài 402 km.
Những con cá sấu khác khi được thử nghiệm cũng thực hiện y hệt. Theo các nhà khoa học, chúng không khác gì những boomerang.
“Cá sấu có họ hàng gần gũi với chim hơn bất cứ loài bò sát nào nên chúng có thể sử dụng hệ thống định vị tương tự như chim”, giáo sư Franklin bổ sung.