Ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, hầu hết thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đều chí thú làm ăn, nhưng do ít đất sản xuất và chưa tìm ra phương hướng phát triển kinh tế phù hợp nên cuộc sống còn khá bấp bênh, chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ công việc làm thuê.

Giải quyết việc làm và tạo ra thu nhập ổn định là một nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đoàn thanh niên trong chăm lo đời sống đoàn viên. Vì vậy, tranh thủ sự hỗ trợ của dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn, tháng 12/2011, xã đoàn Phú Phụng đã tiến hành thành lập mô hình tổ hợp tác nuôi bồ câu, với 10 thành viên là thanh niên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trong xã. Anh Võ Tấn Truyền, phó bí thư xã đoàn cho biết: “mục tiêu chính của tổ liên kết nhằm giúp cho đoàn viên thanh niên có việc làm trong thời gian nhà rỗi, tăng thêm thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững, từ đó tích cực tham gia sinh hoạt đoàn”.

Tham gia mô hình, mỗi thành viên được cung cấp 10 cặp bồ câu Pháp đang sinh sản và hỗ trợ thức ăn, trị giá 3 triệu đồng. Bồ câu là loại vật nuôi ít bị bệnh, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn của chúng dễ tìm, chuồng nuôi được xây dựng khá đơn giản. Đó là những ưu điểm của mô hình này.

Nhiều tổ viên cho biết, bồ câu mới sinh sau 20 ngày nuôi sẽ ra ràng, mỗi cặp bồ câu bán lấy thịt có giá 70.000 đ, bồ câu giống có thời gian sinh trưởng trên 2 tháng, mỗi cặp có giá 250.000 đ. Anh Nguyễn An Khương, thành viên tổ hợp tác phấn khởi nói: “bồ câu tôi nuôi đang sinh trưởng rất tốt, lớn nhanh và lanh lợi, tỷ lệ nhân giống cao, hướng tới tôi sẽ mở rộng diện tích chuồng nuôi, tăng quy mô sản xuất”.

Sau gần một năm hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, số lượng bồ câu của mỗi tổ viên đã tăng lên 40-50 cặp. Đối với 10 cặp bồ câu sinh sản ban đầu sẽ hoàn trả và tiếp tục cho thanh niên nghèo trong xã mượn để làm vốn sản xuất.

Gần đây, mặt hàng bồ câu thịt đang hút hàng, sản lượng cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, do đó việc mở rộng mô hình là một nhu cầu cần thiết giúp nhiều thanh niên có cơ hội thoát nghèo, từ đó tổ hợp tác nuôi bồ câu thứ 2 đã ra đời.

Với kết quả đã đạt được, tổ hợp tác nuôi bồ câu xã Phú Phụng đã trở thành mô hình điểm làm kinh tế đạt hiệu quả của xã, đồng thời mở ra một hướng đi triển vọng trên con đường lập thân lập nghiệp của thanh niên địa phương.

Nguồn: internet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *