Điều nghịch lý là nhiều nông dân vùng cà phê đang tỏ ra mừng chuyện cà phê hạ giá. Theo lý giải của nông dân, giá cà phê càng lên cao thì người trồng càng vất vả với nạn trộm cà phê!
Giá giảm chống được trộm!
Nhiều vùng trồng tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông… đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên cuối tuần qua chỉ còn 36.500 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong vòng một năm qua. So với giá đỉnh điểm 52.000 đồng/kg cách đây 4 – 5 tháng, mỗi kg cà phê hiện đã mất tới 16.000 đồng. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ thông thường là người trồng sẽ lo lắng tìm cách bán tháo ngay sau khi thu hoạch, không ít người trồng lại có phần phấn khởi với đợt mất giá này.
Ông Trần Viết Thuận, một hộ trồng cà phê tại thị trần Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bày tỏ, giá giảm đáng lo cho những người có nhu cầu bán ngay, nhưng hầu hết lại tốt cho các hộ trồng. Lý do theo ông Thuận và một số hộ trồng cùng địa phương là giá cà phê càng cao, nguy cơ bị hái trộm càng lớn. “Nếu cà phê giữ nguyên mức hơn 50.000 đồng/kg thì thời điểm này chúng tôi phải thuê thêm nhiều nhân công trông rẫy, nếu không muốn bị kẻ trộm tuốt sạch…”. Các hộ trồng cà phê cho biết, giá càng lên cao nguy cơ bị hái trộm càng lớn. Vì nhiều đối tượng thay vì đi hái cà phê thuê với tiền công 150.000 – 200.000/ngày đã chuyển sang hái trộm. Chỉ cần xách bao vào những rẫy cà phê lớn, tuốt nhanh cả xanh lẫn chín chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, “tiền công” bán sẽ cao hơn rất nhiều so với việc bỏ sức đi hái thuê.
Nhưng giá cà phê giảm quá nhanh và mạnh đang khiến các doanh nghiệp lo nhiều hành vi gian dối bùng phát. Do cả năm có một vụ nên phần lớn số hộ trồng trông chờ vào nguồn thu bán cà phê đầu vụ, việc mất giá quá nhanh trong khi áp lực thanh toán các khoản đầu tư sau thu hoạch đã dẫn đến các hành vi gian lận như pha trộn tạp chất, phun nước vào cà phê… trước khi đem bán. Theo ông Nguyễn Văn An, tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, phổ biến hiện nay là tình trạng ngâm và phun nước vào cà phê tại chính các hộ trồng. Trung bình, cà phê ngâm trong nước khoảng 12 giờ sẽ tăng được khoảng 14% trọng lượng, phun nước vào cà phê trên xe cũng có thể gian lận được khoảng 3% trọng lượng.
Khuyến cáo của Vifoca là nông dân đừng vội bán tháo khi giá cà phê giảm, vì hiện tượng này sẽ không kéo dài.
Không vội bán tháo
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết, việc giảm giá từ đầu vụ dường như năm nào cũng diễn ra, do người trồng chịu áp lực bán để thanh toán hàng loạt các khoản đầu tư, cũng như trả nợ ngân hàng. Thêm vào đó, ngay khi các các địa phương bắt đầu bước vào niên vụ mới, một số tổ chức cà phê nước ngoài đưa ra những con số dự báo không chính xác, cho rằng cà phê VN được mùa, số lượng tăng mạnh… đã tác động xấu đến giá cà phê trong nước. Nhưng thực tế có thể ngược lại, theo ông Tự, do mưa nhiều, việc chăm sóc có phần hạn chế nên hiện tượng cây cà phê rụng trái diễn ra trên diện rộng tại Tây Nguyên. Riêng tỉnh Đăk Nông đã có gần 11,675ha cà phê rụng trái. Trong khi đó, lượng cà phê tồn kho, gối đầu sang vụ mới ở các DN và trong dân thấp hơn nhiều so với những niên vụ trước, do thời gian qua cà phê được giá, người dân và DN đẩy mạnh bán ra khiến nguồn cung có thể khan hiếm vào cuối năm.
Ông Nguyễn Văn An cho rằng, phần lớn người trồng cà phê chịu áp lực thanh toán vốn vay ngân hàng khi bước vào vụ nên xảy ra tình trạng bán đổ bán tháo làm giá cà phê giảm.
Nhưng theo ông Lương Văn Tự, giá cà phê khó có thể giảm sâu vì ngay khi chưa vào vụ, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã nhất trí mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn ngay từ đầu vụ. “Ngưỡng 300.000 tấn là có thể cứu giá mặt hàng này, nhưng hiện mức doanh nghiệp đăng ký đã lên tới 442.000 tấn, vì vậy người trồng không phải hốt hoảng mà vội vàng bán ra”, ông Tự khuyến cáo. Ngoài ra, việc Agribank vừa ký thỏa thuận với Vicofa dành gói tín dụng trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng cho chương trình thu hoạch, sản xuất và chế biến… cà phê niên vụ tới với mức lãi suất và thời gian vay ưu đãi cũng có thể giải quyết được nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, niên vụ 2010 – 2011, kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước gần 1,3 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 7% về lượng và 56% về giá trị so với niên vụ trước. Vicofa dự báo trong niên vụ 2011 – 2012, sản lượng cà phê của VN chỉ ở mức 1,1 triệu tấn (tương đương 18,33 triệu bao), chiếm khoảng 14 – 15% tổng sản lượng cà phê toàn cầu.