Vẫn chưa hấp dẫn được nhà đầu tư
Phát biểu tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào ngành chăn nuôi 2012” do Cục Chăn nuôi tổ chức hôm 9-10 tại TPHCM, ông Hoàng Kim Giao, Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết ngành chăn nuôi trong nước vẫn ở quy mô nhỏ lẻ và phân tán. Năm 2011, cả nước vẫn còn tới trên 6,5 triệu hộ chăn nuôi. Tỷ trọng chăn nuôi gia cầm nông hộ chiếm khoảng 70% về đầu con và 60% về sản phẩm thịt. Tỷ trọng chăn nuôi heo ở nông hộ chiếm khoảng 65% về đầu con và 57% về sản phẩm thịt.
Chính vì những lý do trên mà việc thu hút đầu tư vốn FDI vào ngành chăn nuôi khá khó khăn, hiện chỉ chiếm một tỷ lệ khá ít trong tổng vốn đầu tư trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, tổng đầu tư FDI cho ngành chăn nuôi chỉ ở mức 269,7 triệu đô la Mỹ năm 2010 và ước đạt 365,3 triệu đô la Mỹ năm 2012. Trong năm 2012, tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực giống vật nuôi chỉ chiếm 4,1% (15,1 triệu đô la Mỹ), lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm 94,9% (346,8 triệu đô la Mỹ) và còn lại đầu tư cho lĩnh vực khác trong chăn nuôi là 0,9% (3,3 triệu đô la Mỹ).
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư và mở rộng đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn FDI. Các lĩnh vực khác của ngành chăn nuôi như giống vật nuôi, chăn nuôi, chế biến, giết mổ và xử lý môi trường có lợi nhuận thấp, tiềm ẩn nhiều tính rủi ro và chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm ưu thế ở thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước. Cả nước có 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong số này chỉ có 58 doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 24,9%) trong tổng số nhà máy, nhưng sản xuất tới 60% lượng thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó,có 175 doanh nghiệp trong nước chiếm tới 75,1% nhưng chỉ sản xuất được 40% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi.
Thu hút bằng cách nào?
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, để thu hút vốn đầu tư FDI vào ngành chăn nuôi, Nhà nước nên tiến hành quy hoạch lại việc sử dụng các loại đất của các dự án FDI trong chăn nuôi và xác định kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án FDI trong chăn nuôi trên địa bàn.
“Xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi bền vững và sớm công bố thông tin về quy hoạch, các quy định về quỹ đất, thú y, an toàn vệ sinh thức phẩm sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm hơn để mở rộng và tăng vốn các dự án ở Việt Nam”, ông Trần Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, nói. Ngoài ra, theo ông Tiến, Nhà nước nên xem xét ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư giống vật nuôi. Vì đây là giải pháp quan trọng nhất để giải quyết bài toán năng suất và chất lượng của ngành chăn nuôi hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Đại diện của Công ty TNHH Japfa Comfeed Long An, cũng cho rằng ngành chăn nuôi nên sớm đưa ra những giải pháp trong việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu tính liên kết, nếu không có biện pháp phòng bệnh tốt, ngành chăn nuôi khó có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư. Chính sách trợ cấp cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp chăn nuôi khi bị tổn thất vì thiên tai, dịch bệnh và bị rủi ro về biến động giá thị trường sản phẩm chăn nuôi cũng cần được cụ thể hóa để người chăn nuôi an tâm và tiếp tục đầu tư tái đàn.
Để thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi, theo ông Hoàng Kim Giao, Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các ưu đãi, hỗ trợ hiện hành đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, bao gồm các biện pháp cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng cỏ để nuôi bò; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất chăn nuôi và chế biến thịt, sữa.
Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan thay thế cho biện pháp cấm và áp dụng hạn ngạch về khối lượng nhập khẩu đối với sữa đồng thời đánh thuế nhập khẩu theo mùa. Tiếp tục áp dụng biện pháp ưu đãi thuế thu nhập đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong sinh sản vật nuôi như chọn tạo giống vật nuôi mới, tinh, phôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Chú trọng biện pháp lập và sử dụng quỹ bảo hiểm chăn nuôi cho các trường hợp rủi ro này. “Quan trong hơn, để thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi, Chính quyền địa phương nên chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho nhà đầu tư theo quy định của Luật Đất đai hiện hành về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh chăn nuôi”, ông Giao nói.