Kết quả nghiên cứu, bảo tồn chọn lọc và phát triển của Đề án Bảo tồn nguồn gen vật nuôi quốc gia, do Viện Chăn nuôi thực hiện, cho thấy, 17 năm qua, tại các tỉnh phía Bắc đã phát hiện thêm 14 loài vật nuôi mới quý hiếm, có giá trị kinh tế.

Trong đó, nhiều giống vật nuôi có vốn gen quí hiếm ở Việt Nam đã được cứu vãn và phục hồi thành công như: lợn Móng Cái, lợn Táp lá (Cao Bằng), ngựa Bạch, gà H’mông, gà Tè (lùn), vịt Bầu Bến (Hòa Bình), vịt Kỳ lừa, vịt đốm (Lạng Sơn)…

Tại hội nghị “Phát triển các giống vật nuôi địa phương quý trong hệ thống chăn nuôi nhỏ ở miền núi phía Bắc Việt Nam: Nghiên cứu, ứng dụng và triển khai”, vừa tổ chức mới đây tại Sơn La, đề tài Đề án Bảo tồn nguồn gen vật nuôi quốc gia, do Viện Chăn nuôi thực hiện với sự hỗ trợ của FAO, Tổ chức Nghiên cứu phát triển Đức (DFG) thông qua Chương trình nghiên cứu hỗ trợ vùng cao (Uplands Program) miền núi Đông Nam châu Á, đã được công bố.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã quan tâm đến bảo tồn và phát triển nguồn đa dạng sinh học của các giống vật nuôi bản địa. Đã có hơn 50 giống vật nuôi bản địa được nghiên cứu, phát hiện, bảo tồn và phát triển. Một số giống đã được phục hồi và trở thành hàng hóa, mang lại lợi ích cho người nông dân. Trong đó, có 14 loài vật nuôi mới quý hiếm.

Trong các vùng sinh thái của Việt Nam, 15 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc là khu vực có đa dạng giống vật nuôi bản địa phong phú nhất, còn lưu giữ nhiều giống nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ và phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có của vùng.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, khẳng định, một số giống vật nuôi đã được phục hồi và trở thành hàng hóa, mang lại lợi ích cho người nông dân.

Điển hình, gà H’mông – một giống gà đặc sản của của đồng bào H’mông vùng Sơn La – đã trở thành một thương hiệu với nhiều món ăn mới trong khoảng 50 nhà hàng. Hiện giống gà này đã được nhân rộng ra nhiều nơi tại Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tây, Nha Trang và mới đây nhất đã được đưa vào TP.HCM. Giống gà H’mông đã trở thành một vật nuôi mới cho chăn nuôi, được các tỉnh Sơn La, Hà Giang triển khai nhân rộng.

Song, qua điều tra, các nhà khoa học đánh giá, nhiều giống vẫn chưa được bảo tồn ở mức độ an toàn như lợn Hương (Cao Bằng), gà Xước, gà Chân lông (Hà Giang), gà Sáu ngón (Lạng Sơn)… Nguyên nhân là số lượng bảo tồn ít, một số giống được nuôi ở địa bàn hẹp, kỹ thuật lai tạo giống kém dẫn đến việc khai thác các giống bản địa kém, có thể bị lai tạp và khả năng đồng huyết cao. Các nhà khoa học cho rằng, kinh phí và công nghệ cần tiếp tục được đầu tư đúng mức hơn.

Để khắc phục tình trạng này, ngoài sự nỗ lực của các địa phương, phía Việt Nam đã nhận được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), các tổ chức quốc tế đến từ Đức, Pháp… Một số địa phương đã tự đưa ra những chương trình nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giống vật nuôi đặc thù trên địa bàn.

Nguồn: VietNamNet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *